Kinh nghiệm mua các loại hình bất động sản mà bạn không thể bỏ qua

Có đa dạng các loại hình bất động sản để bạn chọn lựa, mỗi loại hình đều mang nét đặc trưng riêng, cần có những tuýp kinh nghiệm để áp dụng cho từng loại hình trong quá trình kiểm tra và quyết định mua, dưới đây là một số gợi ý:

1. Kinh nghiệm mua nhà phố

Người mua cần kiểm tra đối chiếu hiện trạng nhà với quy hoạch trên bản vẽ tại phòng quản lý đô thị. Các điểm cần lưu ý bao gồm: 

  • Kiến trúc nhà có thay đổi hay không? nhà đã từng sửa chữa hay chưa? (nếu có phải kèm theo giấy phép xây dựng hợp lệ)

  • Nhà có nằm trong khu quy hoạch, mốc lộ giới hay không? trường hợp này thì đến UBND phường xác minh

  • Tường nhà là tường chung hay riêng?

  • Hệ thống đồng hồ điện, nước chung hay riêng?

  • Nhà có nằm trong khu xây dựng giới hạn chiều cao?... 

2. Kinh nghiệm mua căn hộ

Người mua cần nắm các thông tin có liên quan đến căn hộ trước khi đặt bút ký hợp đồng mua bán, bao gồm:

  • Diện tích sở hữu chung và riêng 

  • Chế độ bảo trì tòa nhà như thế nào

  • Hệ thống phòng cháy chữa cháy, lối thoát hiểm có được đảm bảo hay không,...

  • Mức thu và cách thu các loại phí quản lý, phí sinh hoạt: bảo vệ an ninh, thang máy, đổ rác, điện, nước…

  • Thời gian chủ đầu tư làm thủ tục xin cấp sổ hồng và bàn giao cho cư dân.

Bên cạnh đó là các tiện ích xung quanh chung cư có căn hộ là gì, có đáp ứng gì cho cuộc sống hằng ngày của bạn không? Bao gồm vị trí chung cư, vị trí căn hộ đón nắng đón gió, xa thang máy, xa khu vực để rác tập trung… Bạn cần quan sát và xem xét thật kỹ trước khi quyết định chọn mua!

3. Kinh nghiệm mua đất thổ cư

Trước khi giao dịch bất kỳ bất động sản nào thì yếu tố đầu tiên cần xem xét đó là chúng có nằm trong diện quy hoạch hay giải tỏa không. Sau đó là đối chiếu thông tin trên giấy tờ và thực trạng có khớp nhau hay không. Những thông tin mà người mua cần phải nắm bao gồm:

  • Mục đích sử dụng đất (thổ cư hay thổ canh)

  • Thời hạn sử dụng đất 

Thủ tục mua bán đất cơ bản là bên mua phải được sự chấp thuận của người bán và cơ quan địa phương có thẩm quyền. Tiếp đến, hai bên mua bán chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết đến phòng đăng ký nhà đất cấp quận/huyện để làm thủ tục mua bán. Tiếp theo là đặt cọc giữ chỗ (tiền cọc tuỳ thuộc yêu cầu của bên bán hoặc do thỏa thuận, không nên quá 10% giá trị hợp đồng, nhưng cần được ghi rõ và làm biên bản giao nhận cọc). Sau đó, mời cán bộ địa chính xã/phường đến đo đạc thực địa. Khi bên mua đã nhận được giấy xác nhận quyền sở hữu và sử dụng đất thì tiến hành thanh toán hết số tiền còn lại cho bên bán.

4. Kinh nghiệm mua nhà đất trong hẻm

Khi vốn kinh tế gia đình eo hẹp, buộc bạn phải chọn những căn nhà trong hẻm. Trong hẻm thì không hẳn là không có nhà tốt, chỉ là bạn cần lưu ý những yếu tố xung quanh căn nhà hẻm như: lối ra vào (là của chung hay riêng), nền cao hay thấp, khả năng ngập khi có triều cường?... Một yếu tố rất quan trọng là tính phức tạp về ranh giới bởi diện tích đường hẻm thường hạn chế, bạn cần làm rõ về vấn đề này trước khi giao dịch để tránh rắc rối về sau.

Đặc biệt tránh những ngôi nhà trong hẻm quá nhỏ, hoặc ở cuối hẻm. Vừa xét về mặt phong thủy vừa xét về mặt thuận lợi trong sinh hoạt và di chuyển, đồng thời giá trị thanh khoản của những ngôi nhà trong hẻm nhỏ sẽ rất thấp. 

(Nguồn tổng hợp - Novaland.me chỉnh sửa)